Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

VIỆN SĨ TRẦN ĐẠI NGHĨA


                    Nghĩa lớn gọi về với nước non
                    Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn
                    ...
                    Gốc thông đứng thẳng dầu mưa nắng
                    Để gió lành reo ngát nước non.
                                                  (Tặng Anh – Phan Đình Diệu)
“Gốc thông đứng thẳng” là hình ảnh tiêu biểu về nhân cách của nhà đại tri thức, suốt cuộc đời xã thân vì nghĩa lớn của Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (Tên thật là Phạm Quang Lễ).
Trong cuộc sống thường nhật, thỉnh thoảng các bạn thấy đâu đó cái tên Trần Đại Nghĩa. Đó là tên của một con đường hay một ngôi trường nào đó.... Vậy bạn có bao giờ đặt câu hỏi “vì sao người ta lại lấy cái tên ấy đặt cho con đường hay ngôi trường đó không?”. Chắc các bạn cũng chỉ nghĩ “Đây là tên của một người làm chức vụ to lắm, hay cống hiến nhiều lắm cho đất nước” mà thôi. Đúng là như vậy, nhưng các bạn có biết ông đã cống hiến những gì? Đã trải qua những gian khổ như thế nào mới có thể giữ chức vụ mà các bạn cho là “to” đó không?. Hay các bạn có bao giờ nghĩ, giải thích được vì sao Bác Hồ lại chọn cho ông cái bí danh là Trần Đại Nghĩa?
Để hiểu hơn về ông và trả lời hết được những câu hỏi nêu trên các bạn tìm đọc“Viện sĩ Trần Đại Nghĩa” của Nguyễn Văn Đạo là quyển sách ghi lại gần như trọn vẹn và đầy đủ về cuộc đời của ông từ tuổi nhỏ bên “Dòng Sông Tuổi Thơ”những ngày trốn học theo bạn trèo cây, hái quả, bắt chim, đào dế,...gây náo loạn khắp cả một vùng theo kiểu “nhất quỉ, nhì ma...” làm ba, má buồn phiền, bị má đánh đòn lấy mo cau độn vào mông...một ký ức tuổi thơ thật đẹp thật đáng nhớ.
Rồi những biến cố xảy ra trong cuộc đời ông, ba ông mất khi ông còn quá nhỏ mới 7 tuổi đời, gia đình nghèo túng. Mới vừa mất cha ông đã phải sống xa mẹ xa chị. Tuổi thơ bất hạnh của người con trai duy nhất trong gia đình tạo cho ông sớm có nếp suy nghĩ tự lập. Từ trí óc non nớt ông đã chấp nhận một cuộc sống cô đơn với đèn sách để mong có ngày đền đáp lại công đức của cha mẹ, chị, thầy, người thân ruột thịt đã từng nuôi dạy giúp đỡ.
Tập trung tư tưởng với đèn sách cũng là biện pháp để người học trò nhỏ vơi đi những nỗi đau, nỗi nhớ, kể cả nỗi cô đơn. Ông đã cố hết sức học tập để được đi“Du Học”, ông là người đầu tiên ở xứ Đông Dương được lãnh học bỗng đi du học ở Pháp, thi đậu vào cả ba trường đại học là Trường Quốc Gia Cầu Đường, trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Điện, và ngành toán ở trường đại học Xoóc-bon(Sorbonne) và khi kết thúc khóa học ông nhận được cả ba bằng 2 bằng kỹ sư và một bằng cử nhân cùng một lúc rồi ông tiếp tục học và lấy tiếp bằng: Kỹ sư Hàng không, Trường Mỏ, Trường Bách Khoa thành tích học tập của ông là một thành tích đáng nể không phải ai cũng làm được.
Sau khi tốt nghiệp, ông quyết định đi làm để chờ cơ hội về nước bắt tay vào việc thực hiện hoài bảo là “làm sao để được về nước phục vụ cách mạng”. Công ty đầu tiên mà ông hướng đến là Công ty điện Tôm-sơn (Thomson), chuyên sản xuất các loại biến thế điện, nơi thứ hai mà ông làm việc là Công ty chế tạo máy bay làm ở khâu thiết kế, năm 1942 Phạm Quang Lễ xin vào làm tại nhà máy Halle chuyên chế tạo máy bay của Đức, ngoài ra ông còn làm việc tại Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Đức.
Sau một thời gian chờ đợi cơ hội trở về nước cũng đã đến với ông, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức nước Pháp năm 1946, ông đã có dịp gặp và tiếp xúc trực tiếp với Bác Hồ trong “Bác Hồ Với Trần Đại Nghĩa”. Rồi ông về nước nghiên cứu chế tạo vũ khí trong chiến tranh chống Pháp “Chế Tạo Súng Ba-Dô-Ca”, “Sản Xuất Vũ Khí Hạng Nặng”, nghiên cứu các loại vũ khí để “Đối Đầu Với Vũ Khí Hiện Đại Của Mỹ”. Mỗi bài là một câu chuyện thật mà Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã trải qua, những câu chuyện thật phi thường mà cũng thật cảm động. Ông là một người đã học và làm việc không biết mệt mỏi cho đến lúc cuối đời.
Tôi đã đọc đã rơi nước mắt ở những trang sách viết về ký ức tuổi thơ của ông, đã vô cùng kính phục trí tuệ, tài năng của ông khi ông nghiên cứu chế tạo ra những loại vũ khí. Tôi không có từ ngữ nào để diễn tả hết được những gì mà tôi cảm nhận về ông. Chỉ khi nào các bạn tự mình đọc, nghiền ngẫm mới thấy được, mới hiểu hết được về ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét